Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013


Chương trình tuyển mới lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc buộc phải dừng lại do Hàn Quốc đã “đóng” hạn ngạch tuyển mới lao động Việt Nam trong năm 2012 và hiện cũng chưa có hạn ngạch mới cho năm 2013, đồng nghĩa việc không có chỉ tiêu đưa lao động mới sang “xứ sở kim chi”. Tuy nhiên, ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH), đơn vị được giao nhiệm vụ tuyển chọn lao động xuất khẩu, cho biết:

 
Ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước.
Riêng đối với những lao động đã sang Hàn Quốc làm việc, mãn hạn hợp đồng trở về nước đúng thời hạn, nay có nguyện vọng quay trở lại Hàn Quốc thì vẫn được phía Hàn Quốc đón nhận. Đây là chính sách mới của Hàn Quốc nhằm khuyến khích lao động nước ngoài chấp hành tốt các quy định của Hàn Quốc, trong suốt thời gian hợp đồng lao động không chuyển đổi nơi làm việc, khi mãn hợp đồng thì về nước đúng hạn, không trốn ra ngoài làm “chui”… Tuy nhiên, trước khi trở lại Hàn Quốc, các lao động phải thông qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn Quốc trên máy tính do Trung tâm Lao động ngoài nước (Việt Nam) và Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tổ chức.
Kỳ kiểm tra tiếng Hàn sẽ bắt đầu từ ngày 3 đến 12-12-2012, chia thành nhiều ca, nhiều đợt để đảm bảo chất lượng kiểm tra. Đợt kiểm tra lần này nhận được số lượng hồ sơ đăng ký rất đông. Tuy nhiên, trong tổng số 927 hồ sơ của người lao động mà chúng tôi gửi sang cho cơ quan quản lý lao động Hàn Quốc để xem xét, kiểm tra, chỉ có 892 hồ sơ được Hàn Quốc duyệt tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Nếu đạt tiêu chuẩn, sẽ được hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục để xuất cảnh trở lại Hàn Quốc làm việc.
* Phóng viên: Thưa ông, ở các kỳ thi lần trước, gồm cả thi tiếng Hàn cho những lao động tuyển mới và lao động tái tuyển dụng đều xuất hiện những tiêu cực, hiện tượng “cò mồi” lừa đảo người lao động. Kỳ thi lần này làm sao tránh khỏi?
* Ông PHAN VĂN MINH: Tại kỳ thi này, chúng tôi đã thay đổi hình thức thông báo bằng cách gửi thư trực tiếp đến tận tay những lao động trúng tuyển. Tuy nhiên, người lao động vẫn phải cảnh giác, không nên tin bất kỳ lời dụ dỗ nào của đối tượng lạ, bởi doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chỉ tuyển chọn trực tiếp hồ sơ của người lao động thông qua một kênh duy nhất là Trung tâm Lao động ngoài nước. Do đó, nếu các giấy báo trúng tuyển của doanh nghiệp hoặc cá nhân nào không phải Trung tâm Lao động ngoài nước thì người lao động không nên tin.
Thời gian qua, nhiều người cũng e ngại việc “cò” xuất khẩu lao động là chính cán bộ địa phương. Tôi xin khẳng định, từ nay sẽ không còn xảy ra tình trạng đó nữa, bởi người lao động có nguyện vọng sang làm việc tại Hàn Quốc hoặc quay trở lại Hàn Quốc làm việc chỉ làm việc trực tiếp với cơ quan duy nhất là Trung tâm Lao động ngoài nước. Ở trung tâm, tôi sẽ xử lý nghiêm khắc, thậm chí cho nghỉ việc lập tức nếu phát hiện cán bộ vi phạm. Cách đây ít năm, chính tôi đã từng xử lý trường hợp như vậy.
* Ông nói không có tiêu cực, nhưng có thực tế hiện nay ở nhiều địa phương đang đòi hỏi người lao động phải có chứng chỉ tiếng Hàn hoặc đã học tiếng Hàn tại cơ sở đào tạo của địa phương mới cho đăng ký thi tuyển. Như vậy đúng không?
* Theo quy định của Bộ LĐTB-XH, một trong điều kiện để được tham dự kiểm tra tiếng Hàn là người lao động đã học tiếng Hàn. Sở dĩ quy định như vậy để khuyến cáo những người chưa học tiếng Hàn thì không nên đăng ký kiểm tra, nhưng không yêu cầu phải có chứng chỉ tiếng Hàn. Vì vậy, người lao động không có chứng chỉ tiếng Hàn cũng được đăng ký tham dự kiểm tra. Kỳ kiểm tra tiếng Hàn Quốc lần này mở rộng cơ hội cho tất cả các lao động, do đó sẽ tạo sự cạnh tranh rất cao và để vượt qua kỳ thi, các lao động cần phải có trình độ tiếng Hàn ở mức khá.
* Tại sao nói kỳ kiểm tra lần này mở rộng cho tất cả các đối tượng có nguyện vọng mà có địa phương lại trả lời người lao động “đã hết chỉ tiêu”?
* Như tôi đã nói ở trên, kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần này mở rộng cho tất cả mọi người lao động có nguyện vọng đều được đăng ký, không phân bổ chỉ tiêu như các năm trước đây nên không thể hết chỉ tiêu được.
* Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã đưa được bao nhiêu lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình xuất khẩu lao động phổ thông, thưa ông?
* Từ đầu năm 2012 đến nay, Trung tâm Lao động ngoài nước đã đưa tổng cộng hơn 7.300 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, bao gồm cả lao động được các doanh nghiệp tuyển mới và lao động được doanh nghiệp của Hàn Quốc tái tuyển dụng. Tuy nhiên, từ tháng 9-2012, Hàn Quốc thông báo dừng hạn ngạch nhập khẩu lao động Việt Nam vào Hàn Quốc, đồng nghĩa với việc từ tháng 9 đến hết năm 2012, chúng ta không thể đưa thêm các chỉ tiêu lao động mới sang Hàn Quốc. Trong khi đó, có 13.958 hồ sơ của kỳ kiểm tra tiếng Hàn tổ chức vào tháng 12-2011 (đã đạt tiêu chuẩn) được gửi lên mạng cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, mới chỉ có 20,2% hồ sơ được chọn, số còn lại phải chờ hạn ngạch của năm 2013.
Song cho tới thời điểm này, năm 2012 đã sắp kết thúc nhưng phía Hàn Quốc vẫn chưa công bố hạn ngạch tuyển dụng lao động Việt Nam năm 2013. Do đó, hiện chúng ta chỉ có thể xúc tiến các hoạt động đưa những lao động về nước đúng hạn sang Hàn Quốc. Còn các hồ sơ mới sẽ phải chờ đến khi Hàn Quốc gia hạn trở lại. Lý do vì tỷ lệ người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn ra ngoài làm việc trái phép, đã mãn hạn hợp đồng nhưng không chịu về nước vẫn còn khá nhiều.

* Vậy cách nào để giảm thiểu tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn?

* Hiện nay, Bộ LĐTB-XH đã và đang nghiên cứu, triển khai đề án hạn chế tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, vi phạm hợp đồng lao động. Chúng tôi cũng đã xác định 10 tỉnh có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao, tập trung chủ yếu là ở khu vực miền Trung. Cần thiết, có thể áp dụng biện pháp mạnh về hành chính là không tiếp nhận hồ sơ lao động ở các huyện có tỷ lệ bỏ trốn cao đăng ký xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Ngay trong tuần tới, Trung tâm Lao động ngoài nước và Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tổ chức đoàn vào tận các tỉnh có nhiều lao động bỏ trốn như Nghệ An, Thanh Hóa… để tuyên truyền, vận động các gia đình giúp con em lao động đã mãn hạn trở về nước theo đúng quy định của pháp luật. Việc vận động này cũng cần sự hỗ trợ tích cực của các gia đình, chính quyền địa phương nơi có nhiều lao động đang bỏ trốn.

* Cảm ơn ông! 
Theo: sggp.org.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tổng cộng: